Giới chuyên gia nhận định thị trường vận tải container đã kết thúc chu kỳ tăng và bước vào giai đoạn điều chỉnh, do diễn biến cung – cầu. Về nhu cầu, sức mua yếu vẫn khó sớm cải thiện. Công ty chứng khoán SSI, cho rằng nhu cầu tiêu dùng sẽ tiếp tục yếu trong năm 2023 trong bối cảnh lạm phát cao.
Tăng trưởng ngành logistics thấp kỷ lục trong tháng 3
Tăng trưởng logistics liên tục giảm từ đầu năm 2023 và ghi nhận mức thấp kỷ lục 51,1 điểm vào tháng 3, theo Logictics Manger’s Index (LMI).
Chỉ số LMI tháng 3 ghi nhận mức thấp nhất trong hơn 6 năm các chuyên gia theo dõi chỉ số, đạt 51,1 điểm, giảm hơn 3 điểm so với hồi tháng 2.
Chỉ số LMI được đánh giá dựa trên nghiên cứu thu thập câu trả lời của hơn 100 chuyên gia về các chuyển động và xu hướng của ngành logistics thông qua 8 chỉ số chính gồm: mức hàng hóa tồn kho, chi phí tồn kho, khả năng lưu kho, hiệu năng sử dụng kho bãi, năng lực vận chuyển, hiệu suất vận chuyển và chi phí vận chuyển. Các chỉ số này được tổng hợp và thể hiện thông qua chỉ số chung LMI.
Theo các chuyên gia, chỉ số LMI trên 50 vẫn cho thấy khả năng tăng trưởng của ngành logistics. Ngược lại, khi chỉ số này dưới 50 cảnh báo sự thu hẹp của thị trường logistics.
Dự báo tăng trưởng vận tải biển giảm do kinh tế ảm đạm
Theo Đánh giá về Vận tải Hàng hải năm 2022, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), tăng trưởng thương mại hàng hải toàn cầu sẽ ở mức vừa phải là 1,4% trong năm nay và duy trì ở mức đó vào năm 2023. Con số này thấp hơn so với mức tăng trưởng ước tính 3.2% vào 2021 và 3.8% vào năm 2020.
Sự phục hồi của vận tải hàng hải và logistics đang gặp khó khăn do bất ổn chính trị giữa Nga và Ukraine, ảnh hưởng của đại dịch, các hạn chế chuỗi cung ứng kéo dài. Đồng thời, chính sách “Zero-Covid” của Trung Quốc cùng áp lực lạm phát và chi phí tiêu dùng đang bị cắt giảm cũng mang tới các tác động tiêu cực đến ngành vận tải biển.
Trước đó, sự gia tăng chi tiêu của người dùng vào 2021 đã đẩy thị trường vận chuyển container lên mức kỷ lục. UNCTAD cho biết, sự tắc nghẽn trong logistics sẽ được giải quyết thông qua sự tái cân bằng giữa nhu cầu cung – cầu. Song, những rủi ro của hoạt động công nghiệp tại các cảng và vận tải nội địa sẽ tăng lên.
Để hạn chế các rủi ro, trong bản báo cáo về Vận tải Hàng hải năm 2022, UNCTAD kêu gọi các hãng vận tải đầu tư nhiều hơn vào chuỗi cung ứng để các cảng, đội tàu vận chuyển nội địa được kết nối và có sự chuẩn bị tốt hơn trong điều kiện biến đổi khí hậu, các cuộc khủng hoảng toàn cầu có thể diễn ra và mục tiêu khử carbon bị siết chặt.
Ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu vận tải container
Theo tờ VnExpress, từng lập đỉnh với mức cước 15.000-20.000 USD mỗi container, giá vận tải biển hiện giảm hơn 80% và tương lai hồi phục khó tính bằng tháng.
Đối với tuyến Bắc Mỹ, cước từ TP HCM đến Los Angeles ở Bờ Tây nước Mỹ lập đỉnh khoảng 12.000 USD mỗi 40’GP vào tháng 9/2021, nay còn khoảng 1.400 USD, giảm mạnh 88% so với đỉnh. Tương tự, cước đến New York ở Bờ Đông giờ còn khoảng 2.900 USD mỗi 40’GP, giảm 81% so với đỉnh khoảng 15.000 USD.
Theo bà Lê Thị Lan Anh, Giám đốc Kinh Doanh Công ty tiếp vận Quốc tế MH Great Sun ước tính cước các tuyến châu Á như đi Ấn Độ còn giảm nhiều hơn, từ 5.000 USD xuống 650 USD mỗi container, tức hơn 90%.
Vậy giai đoạn ảm đạm của ngành vận tải biển sẽ kéo dài bao lâu? Leah Fahy, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics nói với Financial Times rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại đã “cải thiện phần nào” triển vọng, nhưng “nhu cầu yếu ở những nơi khác sẽ khiến giao dịch chững lại trong một thời gian“.
Ở Việt Nam, thời gian phục hồi có thể là nửa năm hoặc hết năm nay. SSI cho rằng hàng tồn kho cao ở Âu, Mỹ cần ít nhất 2 quý để giải phóng. Vì vậy, nhu cầu sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2023 để chuẩn bị cho mùa mua sắm cao điểm cuối năm.
Nguồn bài viết tổng hợp từ: vnexpress.net, vlr.vn, cafef.vn